Logo là trong những yếu tố người tiêu dùng nghĩ đến đầu tiên khi nhắc đến một thương hiệu bất kỳ. Và một thương hiệu lớn mạnh sẽ không thể thiếu một logo thu hút, dễ nhận diện. Để xây dựng cho mình một logo như vậy, doanh nghiệp không chỉ nên tìm hiểu về khái niệm và ý nghĩa của logo trong xây dựng thương hiệu mà còn cần nắm rõ những quy định của pháp luật về bảo hộ logo thương hiệu.

1. Logo là gì

Logo là một biểu tượng có thể cung cấp cho người tiêu dùng sự nhận biết ngay tức khắc và mạnh mẽ về thương hiệu, công việc kinh doanh cũng như sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Logo có thể bao gồm một hình vẽ, biểu tượng, chữ cái, từ ngữ, các câu khẩu với những màu sắc khác nhau kết hợp tạo thành một tổng thể có thể nhận diện được bằng mắt thường. Một logo ngoài thể hiện được ngành nghề, lĩnh vực của công ty và giá trị của thương hiệu còn phải có sự khác biệt với logo của những doanh nghiệp khác.

Logo cần khác biệt với những doanh nghiệp khác.

2. Tầm quan trọng của logo đối với doanh nghiệp

2.1. Logo giúp truyền tải giá trị của doanh nghiệp

Logo công ty sẽ cung cấp cho khách hàng một số thông tin quan trọng về doanh nghiệp. Logo có thể truyền tải được các yếu tố đặc trưng ngành hàng, dịch vụ, đối tượng mục tiêu và giá trị thương hiệu mà doanh nghiệp theo đuổi. Một số logo còn có khả năng thể hiện được tầm nhìn và sức mạnh của doanh nghiệp.

 

2.2. Logo tăng khả năng nhận diện thương hiệu

Khả năng nhận diện thương hiệu cho phép khách hàng ghi nhớ và phân biệt thương hiệu này với hàng trăm, hàng nghìn thương hiệu khác trên thị trường. Độ nhận diện thương hiệu càng lớn tương ứng càng có nhiều khách hàng quen thuộc với logo, thông điệp và sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Những logo nổi tiếng thế giới như Google, Apple, McDonald’s, Starbucks,… đã trở nên phổ biến đến mức có thể được nhận ra ngay lập tức dù không đi kèm với tên công ty đứng sau nó.

Những logo nổi tiếng thế giới.

2.3. Logo giúp thuận lợi hơn cho việc bán hàng

Những logo có thiết kế hấp dẫn luôn dễ dàng để lại ấn tượng trong tâm trí người tiêu dùng, kích thích nhu cầu tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ và thúc đẩy doanh thu của công ty, đặc biệt là những sản phẩm của ngành hàng tiêu dùng. Như vậy có thể nói, doanh nghiệp sở hữu một logo cuốn hút cũng sẽ tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường.

2.4. Logo góp phần xây dựng uy tín cho thương hiệu

Xây dựng uy tín cho doanh nghiệp và có được những khách hàng trung thành là điều rất quan trọng mà bất kỳ công ty nào cũng chú trọng. Khách hàng có thể tin tưởng lựa chọn sản phẩm mới nếu trước đó họ đã cảm thấy hài lòng với sản phẩm cùng thương hiệu, chỉ cần thông qua logo in trên bao bì sản phẩm. Logo công ty vì vậy cũng cần được xây dựng với sự thống nhất, bền vững với thời gian.

Logo góp phần xây dựng uy tín cho doanh nghiệp.

3. Bảo hộ logo – Doanh nghiệp đăng ký logo dưới hình thức nào?

Theo pháp luật về sở hữu trí tuệ, Logo của doanh nghiệp có thể được bảo hộ quyền sở hữu dưới hai loại hình:

– Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng

– Nhãn hiệu.

3.1. Phân biệt tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và nhãn hiệu

  Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng Nhãn hiệu
Định nghĩa Theo khoản 2 điều 13 Nghị định 22/2018/NĐ-CP: Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp như: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, hệ thống nhận diện và bao bì sản phẩm), thiết kế thời trang, tạo dáng sản phẩm, thiết kế nội thất, trang trí.

Là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng gắn liền với tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả.

Theo khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Nhãn hiệu không đi một mình mà luôn gắn liền với một, một số hoặc nhiều sản phẩm, dịch vụ tương ứng. Nhãn hiệu có thể coi là tên riêng của sản phẩm, dịch vụ, qua đó giúp phân biệt được sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu này với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại; có thể thuộc sở hữu của cùng một doanh nghiệp hoặc của các doanh nghiệp khác nhau.

 

 

3.2. Cơ chế bảo hộ của tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và nhãn hiệu

a. Căn cứ phát sinh

Quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng mặc nhiên phát sinh khi tác phẩm hoàn thành mà không phân biệt nội dung, hình thức, chất lượng của tác phẩm, việc tác phẩm đã đăng ký hay chưa đăng ký, đã công bố hay chưa công bố. Do đó, việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không phải là căn cứ phát sinh quyền tác giả mà chỉ có giá trị như chứng cứ chứng minh của đương sự khi có tranh chấp liên quan đến tác phẩm mỹ thuật ứng dụng xảy ra.

Trong khi đó, nhãn hiệu chỉ được bảo hộ khi chủ sở hữu tiến hành đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ theo nguyên tắc thuộc về người nộp đơn đầu tiên. Một nhãn hiệu không thuộc quyền sở hữu của riêng ai nếu chưa có sự ghi nhận của cơ quan này. Để có quyền sở hữu một nhãn hiệu, doanh nghiệp nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Việc thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu phải tuân thủ những điều kiện bảo hộ khác nhau của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Sau khi đã đáp ứng đủ các điều kiện này, doanh nghiệp sẽ được cấp văn bằng bảo hộ với tên gọi là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

b. Phạm vi và mức độ bảo hộ

Về phạm vi bảo hộ, quyền tác giả cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng không hạn chế về lĩnh vực, ngành nghề nhưng mức độ bảo hộ yếu: Chỉ khi doanh nghiệp khác có hành vi sử dụng logo giống hệt hoặc giống đến mức tối đa thì mới bị coi là hành vi vi phạm quyền tác giả.

Nhãn hiệu tuy chỉ được bảo hộ hạn chế trong phạm vi danh mục sản phẩm, dịch vụ được đăng ký ban đầu nhưng mức độ bảo hộ cao hơn, được thể hiện ở chỗ: các hành vi sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã đăng ký cho sản phẩm, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan sẽ được coi là vi phạm quyền đối với nhãn hiệu.

c. Thời gian bảo hộ

Theo Điểm a, Khoản 2 Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ năm 2022: Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng chưa công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình.

Theo khoản 7 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022: Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

3.3. Cách thức và chi phí đăng ký tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và nhãn hiệu

  Đăng ký tác phẩm mỹ thuật ứng dụng Đăng ký nhãn hiệu
Hồ sơ Theo khoản 2 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2022:

– Tờ khai đăng ký quyền tác giả;

– 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả;

– Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;

– Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền tự do sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền;

– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

Theo Điều 100 và 105 Luật Sở hữu trí tuệ 2022

– Tờ khai đăng ký nhãn hiệu;

– 05 mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;

– Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;

– Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;

– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó từ người khác;

– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;

– Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Nơi nộp hồ sơ Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục. Cục Sở hữu trí tuệ hoặc Văn phòng đại diện của Cục.
Thời gian giải quyết 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ (Điều 52 Luật Sở hữu trí tuệ 2022) Không quá 9 tháng kể từ ngày công bố đơn (Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ 2022)
Phí, lệ phí 400.000 đồng/Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả Tuỳ thuộc vào danh mục sản phẩm, dịch vụ đăng ký

 

Kết

Căn cứ vào mục đích sử dụng logo mà doanh nghiệp có thể lựa chọn đăng ký dưới hình thức nào cho phù hợp. Để đảm bảo lợi ích cho mình, doanh nghiệp có thể tiến hành đăng ký cả bản quyền tác giả và nhãn hiệu. Mặc dù pháp luật vẫn chưa có những quy định bắt buộc các công ty đăng ký logo của mình, thực tế hiện nay ngày càng xảy ra nhiều hành vi xâm phạm bản quyền, quyền đối với nhãn hiệu và sở hữu công nghiệp. Đăng ký logo với cơ quan nhà nước cũng là bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, giúp phòng tránh được những rủi ro đáng tiếc khi có tranh chấp xảy ra.

 

 

CHÚNG TÔI LUÔN TƯ VẤN TẬN TÂM, TẬN TÌNH, CHU ĐÁO BẰNG SỰ CHÂN THÀNH NHẤT cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu cũng như đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác, xin hãy lên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY INNETCO – HOÀNG PHÚC

Số 50, ngõ 210 phố Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP. Hà Nội

ĐT: 0963 595 787; E-mai: info@innetcoip.com; Website: innetcoip.com

 

Chúng tôi hi vọng sẽ có cơ hội hợp tác và làm hài lòng các yêu cầu của bạn với phương châm “Khách hàng là Người nhà!”.

Trân trọng!

LG. Vũ Ngọc Mai

 

 

Trả lời