QUY ĐỊNH MỚI VỀ THỦ TỤC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Để phù hợp với các quy định mới theo Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) sửa đổi năm 2022, ngày 23/08/2023, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.Nghị định này thay thế Nghị định số 103/2006/NĐ-CP và một phần của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).

1. Ban hành mẫu tờ khai, mẫu văn bằng bảo hộ, hướng dẫn khai tờ khai mới

Các mẫu tờ khai nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đã được thay đổi theo mẫu mới được quy định và hướng dẫn tại Phụ lục I, II, IV của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP thay thế các mẫu tờ khai, mẫu văn bằng bảo hộ và hướng dẫn tương ứng theo Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 16/2016/TT-BKHCN.

Ngoài ra, lần đầu tiên, mẫu “Đơn đề nghị xác nhận thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm lần đầu bị chậm”“Tờ khai yêu cầu đền bù do chậm cấp phép lưu hành lần đầu đối với dược phẩm sản xuất theo bằng độc quyền sáng chế” được ban hành tại Phụ lục I Nghị định 65/2023 để chủ sở hữu sáng chế có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét đền bù vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm được quy định tại Điều 131a Luật SHTT năm 2022 và Điều 42 Nghị định này.

Đặc biệt, Tờ khai cho Đơn đăng ký nhãn hiệu đã bổ sung thêm nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ là nhãn hiệu âm thanh để phù hợp với quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 (nhãn hiệu âm thanh là yêu cầu bắt buộc theo Hiệp định CPTTP mà Việt Nam tham gia).

2. Văn bằng bảo hộ được cấp dưới dạng điện tử hoặc giấy

Theo khoản 1 Điều 29 Nghị định 65/2023, từ ngày 23/08/2023, văn bằng bảo hộ sẽ được cấp dưới dạng bản điện tử hoặc bản giấy. Và chỉ cấp bản giấy trong trường hợp người nộp đơn đề nghị cấp bản giấy trong Đơn đăng ký. Tức là nếu chủ đơn không yêu cầu cấp bản giấy (tích chọn cấp bản giấy trong Đơn đăng ký) thì văn bằng bảo hộ sẽ đương nhiên được cấp dưới dạng bản điện tử.

Quy định này cho thấy sự thay đổi đáng chú ý theo hướng cấp văn bằng bảo hộ điện tử như một phương thức mặc định cho văn bằng bảo hộ. Việc chuyển sang các định dạng điện tử phù hợp với xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam và tăng cường tính hiệu quả, giúp quy trình hành chính được tinh giản và giảm sử dụng giấy. Quy định vẫn cho phép chủ đơn được lựa chọn cấp văn bằng bảo hộ ở dạng giấy nhằm đáp ứng mong muốn của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng các tài liệu vật lý đó phù hợp với mục đích của họ. Việc chuyển đổi sang cấp văn bằng bảo hộ điện tử phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần cải thiện hiệu quả trong việc quản lý các đối tượng sở hữu trí tuệ.

3. Đơn giản hóa thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định 65/2023 đã bổ sung thêm một số thông tin mà người nộp đơn có thể yêu cầu sửa đổi trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn, quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ:

  • Mã nước của người nộp đơn;
  • Địa chỉ của tác giả sáng chế;
  • Đại diện sở hữu công nghiệp.

Theo đó, Nghị định mới cũng quy định cụ thể:

  • Trường hợp sửa đổi tên, địa chỉ, mã nước của người nộp đơn, tên, quốc tịch của tác giả, người nộp đơn phải nộp tài liệu xác nhận (bản gốc/bản sao có chứng thực)/tài liệu pháp lý (bản sao có chứng thực) chứng minh việc thay đổi:
  • Quyết định đổi tên, địa chỉ;
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ghi nhận việc thay đổi tên, địa chỉ…
  • Trường hợp sửa đổi đại diện sở hữu công nghiệp, người nộp đơn phải nộp tuyên bố thay đổi đại diện sở hữu công nghiệp.

Thay vì phải nộp Tờ khai sửa đổi với mọi yêu cầu sửa đổi, bổ sung, từ ngày 23/08/2023, nếu người nộp đơn chủ động sửa đổi đơn trước khi đơn được chấp nhận hợp lệ/bị từ chối/sửa đổi, bổ sung đơn trên cơ sở thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ thì chỉ cần nộp văn bản trong đó nêu nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Thêm vào đó, người nộp đơn không phải nộp kèm bản thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi trong trường hợp sửa đổi mẫu nhãn hiệu, danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý (điểm đ khoản 2 Điều 16 Nghị định 65/2023).

Cơ chế này giúp đơn giản hóa quy trình sửa đổi đơn, giảm gánh nặng hành chính và đẩy nhanh quá trình ghi nhận sửa đổi thông tin cho chủ đơn, theo đó, có khả năng khuyến khích chủ đơn thực hiện các sửa đổi đơn của họ một cách kịp thời và chính xác.

4. Phải nộp bản thuyết minh nội dung thay đổi khi tách đơn

Trước đây, khi tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, người nộp đơn cần có công văn đề nghị tách đơn, thì từ ngày Nghị định 65/2023/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 23/08/2023), người nộp đơn phải nộp bản thuyết minh về đối tượng yêu cầu bảo hộ và nội dung thay đổi so với đơn ban đầu.

5. Cụ thể hóa điều kiện hạn chế chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu

Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết quy định tại khoản 4 Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 về việc hạn chế việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu.Theo đó, việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu được coi là gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nếu:

  • Nhãn hiệu được chuyển nhượng trùng/tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của bên chuyển nhượng;
  • Một phần hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được chuyển nhượng tương tự với phần hàng hóa dịch vụ thuộc sở hữu của bên chuyển nhượng và việc sử dụng nhãn hiệu được chuyển nhượng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ;
  • Có chứa dấu hiệu làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn/hiểu sai lệch về xuất xứ, chất lượng, giá trị… của hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi chuyển nhượng.

6. Rút đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN).

Điều 17.b2 Nghị định bổ sung quy định về việc Cục SHTT phải ban hành thông báo dự định từ chối chấp nhận rút đơn trong trường hợp yêu cầu rút đơn không đáp ứng điều kiện để chủ đơn khắc phục. Nhìn rộng hơn, Điều 17 đã nêu rõ các nguyên tắc, các bước và các yêu cầu để rút đơn đăng ký SHCN. Quy trình này đòi hỏi sự ủy quyền phù hợp, các mốc thời gian mà chủ đơn hoặc đại diện của chủ đơn phải tuân thủ và các kết quả liên quan. Chế định này cho phép chủ đơn nhanh chóng ngừng theo đuổi việc bảo hộ cho đơn đăng ký SHCN mà họ không còn quan tâm nữa, theo đó, cung cấp cho chủ đơn sự linh hoạt trong việc quản lý danh mục SHCN, quyền kiểm soát đơn đăng ký, đồng thời đảm bảo các yêu cầu rút đơn được xử lý phù hợp và theo đúng quy định.

7. Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (KDCN) theo Thỏa ước La-hay

Hệ thống La-hay, được điều chỉnh bởi Thỏa ước La-hay liên quan đến đăng ký quốc tế KDCN, đơn giản hóa quá trình bảo hộ KDCN ở các quốc gia khác nhau. Thỏa ước La-hay cho phép chủ đơn nộp một đơn quốc tế duy nhất và chọn nhiều quốc gia thành viên nơi họ muốn bảo hộ KDCN của mình để chỉ định theo đuổi việc đăng ký, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực cho chủ sở hữu KDCN.

Các thủ tục liên quan đến đơn đăng ký quốc tế KDCN theo Thỏa ước La-hay có nguồn gốc Việt Nam và có chỉ định Việt Nam được quy định khá chi tiết từ Điều 22 đến Điều 24 của Nghị định. Các điều luật này đã cung cấp lộ trình rõ ràng cho chủ đơn trong việc bảo hộ KDCN ra quốc tế hoặc từ quốc tế vào Việt Nam.

8. Đơn Madrid

Đối với Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam, Nghị định bổ sung thêm cơ chế cho phép chủ Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam đã được cấp số đăng ký quốc tế có thể lựa chọn nộp các yêu cầu (như: chỉ định sau (mở rộng lãnh thổ bảo hộ), sửa đổi tên, địa chỉ chủ sở hữu đăng ký quốc tế, giới hạn danh mục hàng hóa, dịch vụ, gia hạn hiệu lực đăng ký quốc tế, chỉ định đại diện, thay đổi đại diện, ghi nhận chuyển nhượng đăng ký quốc tế…) trực tiếp với Văn phòng quốc tế của WIPO hoặc thông qua Cục SHTT và quy định về các tài liệu phải nộp nếu lựa chọn nộp qua Cục SHTT.

Đối với Đơn Madrid có chỉ định Việt Nam, khoản 10 Điều 27 của Nghị định có quy định về ý kiến của người thứ ba đối với Đơn Madrid có chỉ định Việt Nam được coi là nguồn thông tin tham khảo trong quá trình xử lý đơn. Như vậy, theo Nghị định, không có thủ tục phản đối cho các đơn Madrid chỉ định tại Việt Nam như đối với đơn đăng ký nhãn hiệu nộp theo thể thức quốc gia. Đây cũng là cam kết tuân thủ của Việt Nam theo đúng thời hạn thẩm định 12 tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế thông báo về Đơn Madrid có chỉ định Việt Nam.

9. Bổ sung quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế

Điều 14 và Phụ lục VII của Nghị định đã quy định thêm về thủ tục và phạm vi kiểm soát an ninh sáng chế ở Việt Nam, đặc biệt là sáng chế thuộc lĩnh vực kỹ thuật có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

  1. Đối với sáng chế thuộc lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh, quốc phòng được liệt kê tại Phụ lục VIIcủa Nghị định này, được tạo ra tại Việt Nam và thuộc quyền đăng ký của cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam hoặc của tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, để đáp ứng điều kiện nộp đơn đăng ký sáng chế ra nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 89a của Luật Sở hữu trí tuệ, thủ tục kiểm soát an ninh phải được thực hiện trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố đơn đăng ký sáng chế đó

Các quy định trong Nghị định về sáng chế mật là rất quan trọng để đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ quyền SHTT, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, đảm bảo tính minh bạch và tạo sự cân bằng giữa đổi mới và bảo mật. Các quy định này cung cấp khuôn khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch để quản lý hiệu quả thông tin và công nghệ nhạy cảm trong khi vẫn thúc đẩy đổi mới trong những ranh giới nhất định phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia. Ngoài ra, các quy định còn bảo vệ quyền nộp đơn xin cấp bằng sáng chế ra nước ngoài nếu chủ đơn có cơ sở chứng minh sáng chế xin đăng ký không phải là bí mật nhà nước.

10. Hướng dẫn cấp Chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp đối với Luật sư

Nghị định mới cụ thể hóa quy định tại khoản 2a Điều 155 Luật Sở hữu trí tuệ về cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp đối với Luật sư.

Để được cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, Luật sư cần có: Bản sao giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp và bản sao Thẻ luật sư và các giấy tờ sau:

  • Tờ khai yêu cầu cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (Mẫu số 02 tại Phụ lục V của Nghị định này);
  • 02 ảnh 3×4 (cm);
  • Bản sao Chứng minh nhân dân (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã chứng thực), trừ trường hợp đã có số Căn cước công dân trong Tờ khai yêu cầu cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;
  • Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính/nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

 

CHÚNG TÔI LUÔN TƯ VẤN TẬN TÂM, TẬN TÌNH, CHU ĐÁO BẰNG SỰ CHÂN THÀNH NHẤT cho việc đăng ký xác lập và xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cũng như đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác, xin hãy lên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY INNETCO – HOÀNG PHÚC

Số 50, ngõ 210 phố Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP. Hà Nội

               ĐT: 0963 595 787; E-mai: info@innetcoip.com;Website: innetcoip.com

Chúng tôi hi vọng sẽ có cơ hội hợp tác và làm hài lòng các yêu cầu của bạn với phương châm “Khách hàng là Người nhà!”.

Trân trọng!

Ths. Vũ Hạnh Hoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *