XUNG ĐỘT QUYỀN GIỮA NHÃN HIỆU VÀ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

1. Khái niệm

Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.
Khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể”

2. Điều kiện bảo hộ

Điều 72. Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ
Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;
2. Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

Điều 79. Điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ
1. Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
b) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
2. Chỉ dẫn địa lý đồng âm đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này được bảo hộ nếu chỉ dẫn địa lý đó được sử dụng trên thực tế theo cách thức không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

Căn cứ Điều 79, Điều 81 và Điều 82 Luật Sở hữu trí tuệ, điều kiện để một dấu hiệu được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý thường phức tạp hơn điều kiện bảo hộ một dấu hiệu là nhãn hiệu. Bên cạnh việc sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải có nguồn gốc địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý thì sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý còn phải có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương vùng lãnh thổ hoặc quốc gia đó tạo nên. Ví dụ, các điều kiện về khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác, điều kiện về kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương.

Điều 81. Danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý
1. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.
2. Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hóa học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.

Điều 82. Điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý
1. Các điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý là những yếu tố tự nhiên, yếu tố về con người quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
2. Yếu tố tự nhiên bao gồm yếu tố về khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác.
3. Yếu tố về con người bao gồm kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương.

3. Quyền đăng ký

Điều 87. Quyền đăng ký nhãn hiệu
1. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký.

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam chỉ rõ là bất kỳ tổ chức, cá nhân nếu cung ứng dịch vụ, hoặc sản xuất sản phẩm, hoặc tiến hành hoạt động thương mại sản phẩm do người khác sản xuất (với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó) thì được quyền đăng ký nhãn hiệu. Họ được bảo hộ độc quyền đối với nhãn hiệu được cấp sau khi đăng ký, họ trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ.

Trong khi đó, theo Điều 88 Luật Sở hữu trí tuệ:

Điều 88. Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý
1. Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật của nước xuất xứ có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý đó tại Việt Nam.

Đối với chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thì chỉ có Nhà nước Việt Nam (thông qua các tổ chức do Nhà nước chỉ định) được quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý và Nhà nước Việt Nam là người nắm quyền của chủ sở hữu.

4. Văn bằng bảo hộ và Thời hạn bảo hộ

Căn cứ Điều 92 và Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ:

  • Nhãn hiệu: Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp cho người đăng ký bảo hộ thành công một văn bằng bảo hộ, trong đó có ghi nhận chủ sở hữu nhãn hiệu, đối tượng, phạm vi và thời hạn bảo hộ là 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm.
  • Chỉ dẫn địa lý: Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lýghi nhận tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, nêu chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tính chất đặc thù về điều kiện địa lý và khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, văn bằng này có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.

5. Giải quyết xung đột quyền đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

5.1. Căn cứ pháp lý.

Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP có quy định:

Điều 17. Tôn trọng quyền được xác lập trước
1. Quyền sở hữu công nghiệp có thể bị huỷ bỏ hiệu lực hoặc bị cấm sử dụng nếu xung đột với quyền Sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác được xác lập trước.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc đặt tên doanh nghiệp trong thủ tục đăng ký kinh doanh để bảo đảm không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước.

Theo Khoản 3 Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ:“Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc đã được nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa”, chỉ dẫn địa lý sẽ bị từ chối bảo hộ bảo hộ trong trường hợp chỉ dẫn địa lý đó trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc có ngày nộp đơn/ngày ưu tiên sớm hơn vì việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa với nhãn hiệu.

Ngược lại, theo Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ, một dấu hiệu chỉ về nguồn gốc địa lý của sản phẩm chỉ có thể được xem là có khả năng phân biệt nếu dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu trước ngày nộp đơn (nếu không phải là dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận):Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu trước ngày nộp đơn hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật này”

Ngoài ra, Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là:

  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hóa;
  • Dấu hiệu trùng/chứa chỉ dẫn địa lý/dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó (khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ.

5.2. Áp dụng thực tiễn

5.2.1. Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột

Nhãn hiệu Chủ sở hữu Số đăng ký

Ngày cấp

Nhóm
Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd

Phòng 1903-1905, Runhe Square, đường Da Nan số 2, huyện Yue Xiu, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

7611987

14/11/2010

Nhóm 30: Hương liệu cà phê; ca cao; cà phê; chế phẩm sinh dưỡng sử dụng như chất thay thế cà phê; đồ uống trên cơ sở cà phê; trà; đường; kẹo; bánh quy; đồ gia vị
Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd

Phòng 1903-1905, Runhe Square, đường Da Nan số 2, huyện Yue Xiu, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

7970830

14/06/2011

Nhóm 30: Hương liệu cà phê; cà phê; chế phẩm sinh dưỡng sử dụng như chất thay thế cà phê; đồ uống trên cơ sở cà phê.

Trong khi đó, từ ngày 14/10/2005, Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định 806/QĐ-Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ quốc gia số 00004, công nhận bảo hộ độc quyền Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho tỉnh Đắc Lắc.

Trước hết, theo nguyên tắc cam kết chung nêu trong Công ước Paris và TRIPs mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên của Công ước Paris và WTO, Trung Quốc có nghĩa vụ:

  • Xây dựng các chế định pháp lý trong luật pháp quốc gia của mình nhằm chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi không trung thực của bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào, cụ thể là theo Điều 41 Luật nhãn hiệu Trung Quốc quy định: “Trường hợp một nhãn hiệu đã đăng ký vi phạm các quy định tại điều 10, 11 & 12 của luật này, hoặc việc đăng ký có dấu hiệu lừa đảo hoặc cạnh tranh không lành mạnh, Cơ quan nhãn hiệu phải hủy bỏ nhãn hiệu đã đăng ký đó; và bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào cũng có quyền yêu cầu Ban giải quyết tranh chấp nhãn hiệu ra phán quyết hủy bỏ nhãn hiệu đăng ký đó.
  • Đảm bảo người tiêu dùng không bị nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại do hành vi sử dụng chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch về nguồn gốc hàng hóa/dịch vụ theo Công ước Paris, Điều 10 Luật nhãn hiệu Trung Quốc quy định: “Tên địa danh ở cấp huyện trở lên và tên địa danh nước ngoài mà được biết đến rộng rãi bởi công chúng sẽ không được phép đăng ký làm nhãn hiệu, nhưng các tên địa danh này nếu có ý nghĩa khác hoặc là một phần của nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận thì vẫn được đăng ký độc quyền…”.
  • Có biện pháp pháp lý ngăn ngừa việc sử dụng chỉ dẫn địa lý lừa dối người tiêu dùng về xuất xứ địa lý của hàng hóa theo Điều 22 Hiệp định TRIPs, Điều 16 Luật nhãn hiệu Trung Quốc năm 2001 quy định: “Trường hợp một nhãn hiệu có chứa chỉ dẫn địa lý liên quan đến loại hàng hóa mà nhãn hiệu đó được sử dụng, mà hàng hóa đó không xuất phát từ khu vực đó và gây lừa dối công chúng thì nó phải bị từ chối đăng ký và bị cấm sử dụng…”.

Căn cứ các quy định nêu trên, ngày 16/01/2014, Phòng Xét xử và Xem xét lại nhãn hiệu của Bộ Công nghiệp – Thương mại Trung Quốc đã ra phán quyết hủy bỏ hai nhãn hiệu cà phê trên của Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd tại Trung Quốc với nhận định cho rằng Buôn Ma Thuột là một địa danh ở Việt Nam và nổi tiếng trồng cà phê, đã được dùng để đăng ký bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý cho hàng hóa tại Việt Nam. Qua thông tin đại chúng và quảng cáo, sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột có danh tiếng nhất định đối với công chúng Trung Quốc. Việc sử dụng độc quyền nhãn hiệu này cho sản phẩm cà phê của Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd dễ gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa.

5.2.2. Nhãn chín muộn Đại Thành

Tại thôn Đại Tảo, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội,gia đình ông Nguyễn Văn Thành có cây nhãn cổ thụ hơn trăm năm tuổi, hàng năm vẫn cho thu hoạch 3 – 4 tạ quả và được nhân giống đại trà, làm nên thương hiệu nhãn chín muộn Đại Thành.

Ngày 27/08/2007, Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu “Nhãn chín muộn Đại Thành” số 87355 cho ông Nguyễn Văn Thành với sản phẩm “Quả nhãn tươi” thuộc nhóm 31. Tuy nhiên, ngày 28/02/2013, Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể “Nhãn chín muộn Đại Thành, hình” cho cùng nhóm sản phẩm 31.

Mặc dù, Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành đã nộp đơn đăng ký chậm hơn ông Nguyễn Văn Thành tới 6 năm, nhưng sau quá trình đàm phán, ông Nguyễn Văn Thành đã chủ động làm đơn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ hủy bỏ hiệu lực đối với nhãn hiệu “Nhãn chín muộn Đại Thành” số 87355 của mình và đến ngày 21/08/2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp cho Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành văn bằng bảo hộ số 210660.

Ngày 20/7/2023, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội, Cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA) đã tổ chức Hội thảo “Đăng ký bảo hộ, quản lý, khai thác phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Trung Quốc.” Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, cho biết dự kiến kế hoạch năm 2024, Hà Nội sẽ hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhãn chín muộn Đại Thành-Quốc Oai.

Do đó, Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành có thể bị dừng quản lý Nhãn hiệu tập thể “Nhãn chín muộn Đại Thành, hình” để cơ quan nhà nước làm chủ đơn đăng ký và quản lý quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức Chỉ dẫn địa lý Đại Thành-Quốc Oai cho sản phẩm nhãn tươi (tương tự trường hợp của Nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn”).

So với nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý là chứng nhận có mức độ bảo hộ cao và phạm vi rộng hơn, là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, có danh tiếng, chất lượng đặc thù được tạo nên bởi các điều kiện tự nhiên và con người ở khu vực địa lý đó. Vì thế, việc xây dựng và phát triển Chỉ dẫn địa lý đã trở thành chiến lược nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, quảng bá hình ảnh, phát huy những giá trị di sản được hình thành từ điều kiện tự nhiên và văn hóa để nâng cao khả cạnh tranh của sản phẩm truyền thống.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là khi có xung đột quyền lợi giữa cá nhân, tổ chức đã đăng ký nhãn hiệu có thành tố chứa địa danh và đã có nhiều đóng góp cho việc quảng bá cho sản phẩm địa phương có địa danh đó với tập thể những người sản xuất, mua bán sản phẩm có nguyện vọng muốn sử dụng địa danh làm nhãn hiệu tập thể hay xin bảo hộ Chỉ dẫn địa lý thì giải pháp nào là hợp tình hợp lý, hài hòa? Đây là một trong những vấn đề nan giải khiến nhiều cá nhân, tổ chức gặp khó trong quá trình bảo hộ cho các sản phẩm.

Đặc thù thổ nhưỡng và sự đa dạng văn hóa các vùng miền Việt Nam dẫn đến hiện tượng nhiều sản phẩm địa phương có chất lượng gắn kết nhất định với nguồn gốc địa lý. Mức độ gắn kết này không phải lúc nào cũng đủ thuyết phục cộng đồng địa phương quan tâm việc quảng bá sản phẩm, nhưng vẫn có những cá nhân, tổ chức mạnh dạn đầu tư và có nguyện vọng đăng ký nhãn hiệu là tên địa danh. Nhiều trường hợp, chính những cá nhân, tổ chức đi đầu đó lại chịu thiệt thòi khi phải từ bỏ thành quả đầu tư, do xung đột quyền với chỉ dẫn địa lý mà cộng đồng người sản xuất địa phương đồng lòng yêu cầu bảo hộ khi danh tiếng sản phẩm nâng cao. Đây là thực trạng cần được kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật và hài hòa quyền lợi của các chủ thể.

CHÚNG TÔI LUÔN TƯ VẤN TẬN TÂM, TẬN TÌNH, CHU ĐÁO BẰNG SỰ CHÂN THÀNH NHẤT cho việc đăng ký xác lập và xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cũng như đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác, xin hãy lên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY INNETCO – HOÀNG PHÚC
Số 50, ngõ 210 phố Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP. Hà Nội
ĐT: 0963 595 787; E-mai: info@innetcoip.com;Website: innetcoip.com

Chúng tôi hi vọng sẽ có cơ hội hợp tác và làm hài lòng các yêu cầu của bạn với phương châm “Khách hàng là Người nhà!”.
Trân trọng!

Ths. Vũ Hạnh Hoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *