Với sự phát triển không ngừng của Internet đã tạo điều kiện cho việc truyền phát, phổ biến tác phẩm đến công chúng bên cạnh đó cũng khiến việc bảo vệ bản quyền trở nên khó khăn hơn. Chính vì vậy, Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan đã có những nội dung về trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam.

  1. Như thế nào là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian

Điều 198b Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 quy định “Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian là doanh nghiệp cung cấp phương tiện kỹ thuật để tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ đưa nội dung thông tin số lên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet; cung cấp kết nối trực tuyến cho công chúng tiếp cận, sử dụng nội dung thông tin số trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet” – (sau đây gọi tắt là ISP). Điều 110 Nghị định 17/2023/NĐ-CP cũng đã chỉ ra ba loại hình dịch vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, đó là: Dịch vụ truyền dẫn; Dịch vụ lưu trữ đệm; Dịch vụ lưu trữ nội dung thông tin số theo yêu cầu

Các loại doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian theo quy định tại Điều 110 Nghị định 17/2023/NĐ-CP là doanh nghiệp:

– Cung cấp dịch vụ truy nhập, dịch vụ kết nối Internet;

– Cung cấp dịch vụ kênh thuê riêng trong trường hợp kênh thuê riêng không được sử dụng để cung cấp các dịch vụ cho thuê chỗ đặt máy chủ, cho thuê máy chủ dùng riêng hoặc cho thuê chỗ lưu trữ nội dung số;

– Cho thuê chỗ đặt máy chủ, cho thuê máy chủ dùng riêng trong trường hợp máy chủ không được sử dụng để cung cấp dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ nội dung thông tin số;

– Cho thuê chỗ lưu trữ nội dung thông tin số theo yêu cầu;

– Cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến;

– Cung cấp dịch vụ tìm kiếm nội dung thông tin số;

– Doanh nghiệp khác cung cấp một, một số hoặc toàn bộ các dịch vụ có chức năng tương tự.

2. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong bản quyền tác giả?

Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của ISP quyền tác giả, quyền liên quan, theo đó các ISP này phải có trách nhiệm thực hiện nội dung sau:

Một là, ISP có trách nhiệm xây dựng công cụ tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 111 NĐ 17/2023/NĐ-CP thì công cụ tiếp nhận yêu cầu là một trong các công cụ sau:

  • Chương trình máy tính
  • Trang thông tin điện tử
  • Hòm thư điện tử
  • Cổng điện tử
  • Công cụ tiếp nhận yêu cầu khác có chức năng tương tự

Đồng thời, ISP phải thông báo đầu mối liên lạc của cơ quan tiếp nhận khiếu nại, phản ánh về xâm phạm đến cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về  thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời công khai trên trang thông tin điện tử của mình.

Hai là, ISP có trách nhiệm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập tới nội dung thông tin số khi biết nội dung thông tin số đó xâm phạm quyền thông qua việc nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc hồ sơ báo cáo vi phạm của chủ thể quyền.

Ba là, ISP có trách nhiệm cảnh báo cho người sử dụng về trách nhiệm pháp lý của nọ nếu họ thực hiện hành vi xâm phạm quyền và cần xác thực thông tin người dùng đăng ký tài khoản số.

Bốn là, ISP có trách nhiệm thông báo cho bên có nội dung thông tin bị yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn về hành động gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số đã thực hiện cũng như công bố quy trình xử lý yều cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền.

3. Quy trình 24 giờ và quy trình 72 giờ và 10 ngày làm việc

Nghị định 17/2023/NĐ-CP đã xây dựng cơ chế cho phép cả cơ quan thực thi và chủ thể quyền đều có quyền yêu cầu ISP gỡ nội dung xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan với nội dung như sau:

Quy trình 24 giờ là quy trình gỡ nội dung số xâm phạm theo yêu cầu của cơ quan thực thi theo Điều 113 Nghị định 17/2023/NĐ-CP. Không chậm hơn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền , ISP phải gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Cùng với đó ISP phải thông báo cho bên có nội dung số bị gỡ bỏ và báo cáo kết quả thực hiện cho cơ quan thực thi đã yêu cầu trong vòng không quá 24 giờ.

Trường hợp có phản đối bởi bên có nội dung thông tin số bị gỡ bỏ/ngăn chặn hoặc bởi ISP, một trong các chủ thể này có quyền thực hiện khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định pháp luật với quyết định của cơ quan thực thi.

Quy trình gỡ nội dung xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền theo Điều 114 Nghị định 17/2023/NĐ-CP được gọi là “Quy trình 72 giờ và 10 ngày làm việc” được tiến hành như sau:

Trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận yêu cầu, ISP tạm gỡ bỏ/ngăn chặn truy nhập tới nội dung bị cho là xâm phạm và thông báo cho bên có nội dung bị yêu cầu gỡ hoăc ngăn chặn về việc tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập đó kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh doanh bên yêu cầu cung cấp..

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tạm gỡ bỏ/ngăn chặn như đã nêu trên, nếu ISP không nhận được thông báo phản đối việc tạm gỡ bỏ/ngăn chặn kèm theo tài liệu chứng cứ chứng minh cho phản đối đó thì ISP gỡ bỏ/ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung số đó. Trường hợp nhận được phản đối của bên bị yêu cầu gỡ bỏ, trong vòng 72 giờ, ISP khôi phục lại thông tin số bị gỡ hoặc ngăn chặn đồng thời chuyển tiếp văn bản phản đối kèm theo chứng cứ của bên bị yêu cầu cho chủ thể quyền

Khi đã thực hiện chuyển tiếp phản đối cùng với chứng cứ của bên bị yêu cầu cho bên yêu cầu mà cả hai chủ thể không khởi kiện dân sự hoặc yêu cầu cơ quan thực thi xử lý hành vi xâm phạm hoặc tòa án, cơ quan thực thi không thụ lý đơn yêu cầu thì ISP khôi phục lại thông tin số đã gỡ bỏ hoặc ngăn chặn. Nếu Tòa án hoặc cơ quan thực thi thụ lý đơn yêu cầu thì ISP thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan thực thi

Đối với thông tin số được phát trực tiếp (livestream) theo thời gian thực, chủ thể quyền chủ động cung cấp chứng cứ xâm phạm tới ISP trước giờ phát trực tiếp tối thiểu 24 giờ để kịp thời ngăn chặn. Theo đó, ISP ngay lập tức tạm gỡ bỏ/ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung số đồng thời thông báo cho bên yêu cầu và bên bị yêu cầu; tiếp tục thực hiện theo như mô tả trên.

CHÚNG TÔI LUÔN TƯ VẤN TẬN TÂM, TẬN TÌNH, CHU ĐÁO BẰNG SỰ CHÂN THÀNH NHẤT cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu cũng như đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác, xin hãy lên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY INNETCO – HOÀNG PHÚC
Số 50, ngõ 210 phố Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP. Hà Nội
ĐT: 0963 595 787; E-mai: info@innetcoip.com;Website: innetcoip.com

Chúng tôi hi vọng sẽ có cơ hội hợp tác và làm hài lòng các yêu cầu của bạn với phương châm “Khách hàng là Người nhà!”.

Trân trọng!

Lý Thị Ghển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *