Trong công tác quảng cáo, truyền thông, các công ty, doanh nghiệp luôn chú trọng truyền tải đến khách hàng điểm nổi bật của sản phẩm so với các sản phẩm khác trên thị trường và gợi lên suy nghĩ tích cực với thương hiệu. Tuy nhiên đối với một nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ với cơ quan nhà nước, việc sử dụng các yếu tố mang tính mô tả cần tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Bài viết dưới đây sẽ phân tích quy định của pháp luật về nhãn hiệu chứa dấu hiệu mang tính mô tả.
1. Khái niệm dấu hiệu mang tính mô tả
1.1. Định nghĩa dấu hiệu mang tính mô tả
Một dấu hiệu được cho là có tính mô tả nếu một bộ phận công chúng hoặc người tiêu dùng trong lĩnh vực liên quan nhận thấy rằng dấu hiệu này cung cấp thông tin về chính hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu đó. Cụ thể, những thông tin này có thể thể hiện thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính liên quan nào khác của hàng hóa hoặc dịch vụ.
Ngược lại, nếu dấu hiệu thể hiện một mối liên hệ đơn giản chỉ mang tính gợi tưởng về các đặc điểm của sản phẩm hoặc dịch vụ, hoặc một sự liên hệ gián tiếp với các đặc tính của các hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan, thì không bị xem là “mang tính mô tả”.
1.2. Quy định của pháp luật về dấu hiệu mang tính mô tả
Theo Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ, một nhãn hiệu sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
“1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;
- Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.”
Như vậy, để đáp ứng yêu cầu bảo hộ của pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu bắt buộc phải có khả năng phân biệt. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu được quy định tại Điều 74 Luật sở hữu trí tuệ như sau:
“ 1. Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
- Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- c) Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ hoặc dấu hiệu làm gia tăng giá trị đáng kể cho hàng hóa, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước ngày nộp đơn;”
Như vậy, các dấu hiệu mô tả hàng hóa hoặc dịch vụ trong được coi là không có khả năng phân biệt cho chính các hàng hóa hoặc dịch vụ đó. Các thuật ngữ như vậy được coi là các yếu tố phổ biến, vì vậy tất cả những người kinh doanh đều có quyền sử dụng để tiếp cận người tiêu dùng và quảng cáo về sản phẩm và dịch vụ của họ.
2. Dấu hiệu như thế nào được coi là mang tính mô tả
2.1. Dấu hiệu mang tính mô tả đối với hàng hóa và dịch vụ cụ thể
Để xem xét một từ có tính mô tả hay không, từ đó phải luôn được đặt trong mối quan hệ với các hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu đó.
Mô tả thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất
“Lúa mùa” cho sản phẩm lúa, gạo;
“Nhãn chín muộn” cho nhãn;
“Lục Ngạn”, “Bố Hạ”, “Bắc Giang” cho cam, bưởi, táo, vú sữa;
“Công nghệ Châu Âu” cho xi măng; bê tông; thạch cao;
“Công nghệ Nhật Bản” cho mì ăn liền, phở ăn liền, bún ăn liền;
“Công nghệ Việt” cho mô tơ điện; động cơ điện;
“Tiêu chuẩn xuất khẩu” cho sơn (trừ sơn cách điện, cách nhiệt); chất kết dính dùng cho sơn; sơn diệt khuẩn; vec-ni; sơn phủ; sơn chịu lửa;
“Tiêu chuẩn quốc gia” cho dây điện; dây cáp điện.
Mô tả chủng loại của hàng hóa hoặc dịch vụ:
“24/7” cho dịch vụ cửa hàng tiện ích, ngân hàng trực tuyến.
Mô tả số lượng của hàng hóa hoặc dịch vụ:
“100”, “500”, “1000” cho dược phẩm/thuốc chữa bệnh (thể hiện milligram liều lượng).
Mô tả chất lượng của hàng hóa hoặc dịch vụ:
“Best” (tốt nhất), “Perfect” (hoàn hảo), “Excellent” (xuất sắc), “Premium” (cao cấp), “High quality” (chất lượng cao), “Deluxe” (sang trọng) cho bất kỳ hàng hóa hoặc dịch vụ nào;
“Clean” (sạch), “Fresh” (tươi) hoặc “Delicious” (ngon) cho thực phẩm;
“14k”, “18k” hoặc “24k” cho trang sức vàng;
“Safe” (an toàn) cho trang phục và thiết bị bảo hộ lao động.

Mô tả tính chất của hàng hóa hoặc dịch vụ:
“Low calorie” (ít calo), “Low fat” (ít béo), “Less sugar” (ít đường), “Organic” (hữu cơ), “Tasty” (ngon miệng), “Creamy” (mịn), “Nutritious” (giàu dinh dưỡng) cho thực phẩm;
“Whole milk” (sữa nguyên kem), “Semi-skimmed milk” (sữa ít béo) cho sữa tươi;
“Fast” (nhanh) cho dịch vụ vận tải, vận chuyển hàng hóa hoặc chuyển nhà;
“Smart” (thông minh), “High-Tech” (công nghệ cao) cho các thiết bị điện tử;
“Slim” (gầy), “Fit” (vừa vặn), “Beauty” (vẻ đẹp) cho dịch vụ liên quan đến dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện;
“Búp non” cho sản phẩm chè (trà);
“Dịu nhẹ” cho mỹ phẩm.
Mô tả thành phần của hàng hóa hoặc dịch vụ:
“Yến mạch”, “Hạnh nhân”, “Dừa” cho sản phẩm sữa hạt;
“Comedy” (hài), “Documentary” (tài liệu), “Drama” (kịch tính), “Horror” (kinh dị), “Romantic” (lãng mạn) cho dịch vụ tổ chức các chương trình truyền hình, giải trí;
“Bicycle” (xe đạp), “Motor” (xe máy), “Car” (ô tô) cho dịch vụ bảo hành và sửa chữa cơ khí.
Mô tả công dụng hàng hóa hoặc dịch vụ:
“Cooling” (làm mát) cho sản phẩm điều hòa, tủ lạnh;
“Energy saving” (tiết kiệm năng lượng) cho thiết bị điện;
“Sanitary” (vệ sinh) cho các chế phẩm vệ sinh và dịch vụ dọn dẹp và vệ sinh;
“Online banking” (ngân hàng trực tuyến) cho dịch vụ tài chính và ngân hàng.
Mô tả giá trị của hàng hóa hoặc dịch vụ:
“Best price” (giá tốt nhất), “Buy 2 get 1 free” (mua 2 tặng 1 miễn phí), “2-for-ONE” (mua 2 trả tiền 1) cho các dịch vụ mua bán.
2.2. Lưu ý khi đánh giá tính mô tả của dấu hiệu
2.2.1. Việc đánh giá các từ mang tính mô tả tại một quốc gia đối với ngôn ngữ bản địa hay ngôn ngữ nước ngoài (ví dụ tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, v.v…) phải được xem xét dựa trên mức độ nhận thức và cách sử dụng của người tiêu dùng đối với từng lĩnh vực tại quốc gia đó.
2.2.2. Đối với các từ có tính mô tả, nếu người nộp đơn có thể chứng minh được rằng yếu tố từ có tính mô tả đó đạt được tính phân biệt thông qua quá trình sử dụng trên thị trường và được sử dụng hiệu quả như một nhãn hiệu cho các hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì cơ sở từ chối nêu trên sẽ không được áp dụng.
2.2.3. Trong một số trường hợp khác, một từ có thể mang tính mô tả cho một số hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định nhưng lại có khả năng phân biệt (và do đó có khả năng được bảo hộ) khi sử dụng cho các sản phẩm và dịch vụ thuộc lĩnh vực khác. Ví dụ:
Từ “Gạo” bị coi là mô tả khi đăng ký cho sản phẩm gạo tẻ, gạo nếp thuộc nhóm 30.

Từ “Gạo” không bị coi là mô tả cho sản phẩm giày dép, quần áo, mũ nón thuộc nhóm 25 và dịch vụ mua bán giày dép, quần áo, mũ nón thuộc nhóm 35.

Từ “Nón” bị coi là mô tả khi đăng ký cho sản phẩm mũ (nón), giày dép, quần áo thời trang thuộc nhóm 25.

Từ “Nón” không bị coi là mô tả khi đăng ký cho sản phẩm dầu ăn, bơ thực vật, mỡ động vật (…) thuộc nhóm 29 và mỳ ăn liền, phở ăn liền, bún ăn liền (…) thuộc nhóm 30.

Từ “Clever” (thông minh) bị coi là mô tả khi đăng ký cho dịch vụ giáo dục, tư vấn du học (…) thuộc nhóm 41.

Từ “Clever” không bị coi là mô tả cho sản phẩm quần áo thời trang nam nữ (…) thuộc nhóm 25.

Từ “Clever” (biến thể là “Klever”) không bị coi là mô tả cho dịch vụ mua bán, xuất nhập khẩu và đại lý các loại trái cây tươi (…) thuộc nhóm 35.

3. Bảo hộ nhãn hiệu có chứa dấu hiệu mang tính mô tả
3.1. Thêm vào các dấu hiệu khác
Một nhãn hiệu chỉ chứa duy nhất hoặc có yếu tố chính là một dấu hiệu có tính mô tả hoặc được coi có mang tính mô tả chính hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu đó thì phải bị từ chối bảo hộ cho chính các hàng hóa hoặc dịch vụ nêu trên. Nhưng nếu dấu hiệu đó kết hợp với các dấu hiệu khác (ví dụ như tên riêng, hình,…) tạo thành một tổng thể có khả năng phân biệt thì nhãn hiệu đó sẽ được bảo hộ tổng thể.
Ví dụ:
Từ “LOCK” (khóa) và hình tia lửa điện tạo thành một tổng thể có khả năng phân biệt.
Từ “MEAT” (thịt), “Deli” (cửa hàng món ăn ngon), “FISH” (cá), “Cá sạch” và hình con cá tạo thành một tổng thể có khả năng phân biệt.
3.2. Biến thể của các từ có tính mô tả
Tạo ra biến thể của các từ có tính mô tả là việc tạo một số thay đổi so với cách viết thông thường. Ví dụ: viết tắt nhưng không thay đổi cách phát âm của một từ, thay thế một hay một số chữ có cách phát âm tương đương hoặc cách viết gần giống,…). Những từ mới này có khả năng phân biệt nếu tạo ra ấn tượng mạnh, sự ngạc nhiên, thích thú đối với người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng phải suy nghĩ để hiểu mối quan hệ biến thể đó với nghĩa gốc của từ. Một số ví dụ về từ được biến thể không bị coi là có tính mô tả ở Việt Nam:
Từ “EZ Learning” trong đó “EZ” biến thể từ “Easy” (cùng cách phát âm /’i:zi/), “Easy learning” tiếng Anh nghĩa là “học dễ dàng” – không bị coi là mô tả cho dịch vụ giáo dục.
Từ “Klean” biến thể từ “clean” (sạch sẽ) bằng cách thay chữ “c” thành chữ “k” – không bị coi là mô tả cho các sản phẩm thuốc trừ sâu, chất diệt khuẩn, chất diệt nấm, chất sát trùng, chất diệt trùng.
Từ “Footty” biến thể từ “Foot” (bàn chân) bằng cách thêm đuôi “ty” – không bị coi là mô tả cho sản phẩm quần áo, giày dép, đồ đi chân, đồ đội đầu.
Từ “b3auti” biến thể từ “beauty” (vẻ đẹp): chữ “e” thành số “3”, chữ “y” thành chữ “i”) – không bị coi là mô tả cho các sản phẩm mỹ phẩm, chế phẩm tẩy trắng dùng cho mục đích mỹ phẩm, chế phẩm làm sạch, kem mỹ phẩm, kem làm trắng da, nước hoa.
CHÚNG TÔI LUÔN TƯ VẤN TẬN TÂM, TẬN TÌNH, CHU ĐÁO BẰNG SỰ CHÂN THÀNH NHẤT cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu cũng như đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác, xin hãy lên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY INNETCO – HOÀNG PHÚC
Số 50, ngõ 210 phố Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP. Hà Nội
ĐT: 0963 595 787; E-mai: info@innetcoip.com; Website: innetcoip.com
Chúng tôi hi vọng sẽ có cơ hội hợp tác và làm hài lòng các yêu cầu của bạn với phương châm “Khách hàng là Người nhà!”.
Trân trọng!
LG. Vũ Ngọc Mai